Hàng hoá xuất khẩu bị đánh thuế cao nếu không cắt giảm phát thải nhà kính

Hàng hóa sắp tới vào thị trường EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính. Cơ chế này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Sáng 29/11, Bộ kế hoạch và Đầu tư cùng Báo Đầu tư, đã tổ chức Hội thảo "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022". ESG (Environmental Social Governance) là các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị mà doanh nghiệp cần phải thực hiện. 

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và đang trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Khi đã là nhà cung ứng các sản phẩm hàng hóa thì doanh nghiệp tại Việt Nam, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mà nhà mua hàng đặt ra. Trong khi đó, các nhà mua hàng trên thế giới ngày quan tâm tới ESG.  

Chẳn hạn Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cơ chế “Điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), theo đó sẽ áp một loại thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào EU. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu thuộc các ngành phát thải khí nhà kính lớn gồm: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Sau đó sẽ mở rộng ra nhiều ngành khác. Hàng hóa sắp tới vào thị trường EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính. Không chỉ riêng EU, cả Mỹ, Canada, Nhật Bản… cũng xây dựng các cơ chế tương tự, để thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Cơ chế này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

                                        Hàng hoá sắp tới vào thị trường EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh AP

 

Theo Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tăng trưởng xanh, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam bước đầu đã có một số doanh nghiệp đang thực thi ESG. Chẳng hạn như sáng kiến “nông nghiệp tái sinh” của tập đoàn Nestlé đang áp dụng tại Tây nguyên; hay sản xuất theo định hướng hữu cơ, an toàn bền vững của tập đoàn TH… Tuy nhiên, đến nay ESG vẫn là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Đây là thách thức lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực và tài chính, cùng những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về ESG.

Việc thực hiện ESG không phải gây ra tốn kém chi phí, ngược lại, sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Muốn mở thị trường ra thế giới, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn phải chuyển mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ về ESG, đồng thời nhận thức rõ phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới, không thể đảo ngược. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, tùy từng phạm vi hoạt động, năng lực cung ứng và điều kiện tài chính, doanh nghiệp có thể làm dần dần, làm từng hạng mục, để đạt tới các mục tiêu đặt ra, ông Patrick Haverman đưa ra lời khuyên.

                                                                                                                                                               Nguồn : Nhà báo Trần Thuỷ VietNamnet.vn