Doanh nhân Lê Quốc Phong: Thấy mình còn có ích cho nhà nông

"Sức khoẻ còn, đầu óc còn linh hoạt, phải giúp cho được bà con nông dân đỡ vất vả trên đồng ruộng mà có hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống được cải thiện nhiều hơn...cũng là để thấy mình còn có ích cho nông dân, cho xã hội", đó là chia sẻ của doanh nhân Lê Quốc Phong,Chủ tịch Phân bón 2Phong.

 

                        Doanh nhân Lê Quốc Phong,Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất - kinh doanh phân bón Bình Điền II,thương hiệu 2Phong.

Là đồng đội, từng chung chiến hào đánh quân Pôn Pốt xâm lược tại chiến trường Campuchia ; rồi sau đó vẫn giữ mối liên lạc, trở thành bạn bè thân thiết, chúng tôi được doanh nhân Lê Quốc Phong mời tham gia đoàn công tác của Công ty phân bón Bình Điền II-  thương hiệu 2Phong. Chuyến đi khởi hành từ nhà máy phân bón 2Phong,tại Khu Công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An, đến huyện Kiên Lương, Kiên Giang với mục đích "thăm đồng", đánh giá cụ thể trà lúa sử dụng phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới 2Phong để quyết định có bón lần 2 cho trà lúa này trong khoảng thời gian còn lại đến khi thu hoạch, hay không?

Phải có được cái mới.

Tôi đùa: "Nghỉ hưu rồi, ở nhà lo tập thể thao và đi du lịch, làm chi nữa cho khổ?"

"Không được", - Lê Quốc Phong nói - "Làm phân bón đã thành cái nghiệp, gắn bó với mình nửa thế kỷ rồi. Mình đã tạo dựng được một thương hiệu phân bón hỗn hợp NPK Đầu Trâu đứng vào tốp đầu cả nước. Nhưng đó là công ty cổ phần mà nhà nước chiếm phần chi phối. Rất nhiều dự tính của mình chưa làm được. Hơn nữa sức khoẻ còn, đầu óc còn linh hoạt, nhớ nghề lắm, phải làm tiếp thôi. Phải thực thi cho bằng được những gì mình đã ấp ủ. Phải giúp cho được bà con nông dân đỡ vất vả trên đồng ruộng mà có hiệu quả kinh tế cao hơn , đời sống được cải thiện nhiều hơn...cũng là để thấy mình còn có ích cho nông dân, cho xã hội".

"Nghe được. Nhưng Công ty 2Phong đã có được gì sau 4 năm đi vào hoạt động?", tôi hỏi.

"Te tua ông ơi" - Phong giãi bày- "Vừa khánh thành nhà máy thì vập vào đại dịch Covid. Sản xuất không được, phân phối không xong, muốn "bể đầu" với khoản lãi vay ngân hàng gần 300 tỷ đồng, chạy đến "bạc mặt" lo cho nhà máy hoạt động và đời sống hơn trăm cán bộ, công nhân viên" .

 

                                  Doanh nhân Lê Quốc Phong và các đại biểu xếp những bao phân bón 2Phong đầu tiên lên cầu cảng vận chuyển đi ĐBSCL.

 

 Tháng 10 năm 2015, ông Phong cùng với một số nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sản xuất , kinh doanh phân bón, đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ theo chế độ, chính sách của nhà nước, nhưng còn đủ sức khoẻ, trí tuệ, kinh nghiệm, sự từng trải và nhất là nhiệt huyết với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà,  thành lập nên Công ty Cổ phần sản xuất - kinh doanh phân bón Bình Điền II, thương hiệu 2Phong.

Nhà máy Phân bón Bình Điền II được khởi công cây dựng vào tháng 7 năm 2016 và hoàn thành vào cuối tháng 11 năm 2017, trên diện tích 3 ha, thuộc Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Công suất thiết kế ban đầu là 100.000 tấn sản phẩm/năm.

Các sản phẩm của nhà máy là NPK cao cấp, phấn bón hữu cơ và vi sinh, được thiết kế chuyên biệt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho từng vùng đất, dễ tan, thích hợp với cách thức tưới nhỏ giọt của nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Phân bón 2Phong tạo ra sự khác biệt là đưa thêm chế phẩm hữu cơ thế hệ mới, axit Humic, Econanomic, một số hoạt chất giúp cây trồng tăng độ quang hợp, Enzym tạo sự kháng cự tốt của cây trồng với sâu bệnh, dịch hại, kích hoạt các chất trung vi lượng có sẵn trong đất để cây trồng hấp thụ được, cùng với vi lượng thông minh không những thúc đẩy cây trồng tăng năng suất mà còn từng bước góp phần cải tạo đất , làm cho đất có thêm sức khoẻ để giảm thiểu sự thoái hoá, tiết kiệm phân bón, thân thiện với môi trường.

Sang giai đoạn 2, nhà máy sẽ đầu tư thiết bị để sản xuất từ 40 đến 50 ngàn tấn phân hữu cơ nanô, hữu cơ thế hệ mới/mỗi năm.

Lê Quốc Phong chia sẻ : "Đồng đất của mình qua nhiều năm canh tác, độ phì nhiêu ngày càng giảm sút. Hiện tại nông dân cần sư dụng đồng thời cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Phân bón vô cơ cho năng suất cây trồng, phân hữu cơ làm cho đất đai được bù đắp độ phì để trở nên màu mỡ. Các sản phẩm phấn bón 2Phong làm được cả 2 yêu cầu này. Đây là hướng đi có trách nhiệm với đất đai, với nền nông nghiệp Việt Nam về mặt lâu dài".

Tạm qua đại dịch, nhờ vào sự uy tín và năng nổ của Chủ tịch Lê Quốc Phong, sự gắn bó chí cốt của đội ngũ công nhân viên, sản xuất của nhà máy bắt đầu ổn định, hệ thống đại lý phân phối được thiết lập từng bước.

Đi vào sản phẩm chuyên dùng cho từng vùng, như cây vải thiều ở Bắc Giang, cây cà phê, cao su, tiêu ở Tây nguyên, cây thanh long, nho ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long... bà con nông dân sử dụng, khẳng định dần chất lượng của phân bón 2Phong.

Rồi một hợp đồng được ký kết, cung ứng 30 ngàn tấn/năm cho cây mía tại Campuchia, mở ra hướng xuất khẩu rất tốt cho 2Phong sang các nước khác. Từ con số không, đến nay, phân bón 2Phong đã có sản lượng tiêu thụ 50 ngàn tấn/năm, thu về hơn 500 tỷ đồng.

Gặp những người nông dân hiểu biết 

Từ xã Kiên Bình, chúng tôi phải để xe ô tô trên bờ, xuống xuồng máy, chạy vào ấp Lung Lớn. Xuồng chạy được chừng trăm mét thì trời đổ mưa, ai nấy ướt nhẹp.

Xuồng vẫn chạy. Cũng may, mưa rào xuống một lát, rồi tạnh. Mưa nắng ở xứ này là vậy. Mây quang,rồi nắng hứng lên.

Đón chúng tôi trên bờ kênh, cũng ướt hết quần áo là chú Võ Văn Nhẫn. Thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc. Gần 60 tuổi rồi mà ông vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Giữ chặt mũi xuồng, nở nụ cười rất tươi, ông Nhẫn nói: " Cơm nước đã chuẩn bị xong. Có món cá lóc nướng trui, cá rô mề chiên...tất cả đều bắt dưới ruộng. Ta sáp dô làm vài ly cho ấm, rồi thăm đồng sau, được không anh Hai (Hai Phong)?"

"Không được" - Lê Quốc Phong nói- "Nhậu vào rồi còn thăm đồng, còn đánh giá lúa má cái gì. Ra ruộng luôn, làm xong về nhậu thả ga".

Đoàn người đi thẳng ra ruộng.Ông Nhẫn nhanh nhẹn dẫn đầu. Từng làm giám đốc Công ty xuất khẩu gạo Kiên Giang, nay thì làm công tác Đảng của Công ty thương mại - dịch vụ Kiên Giang. Cách đây 5 năm, ông Nhẫn quyết định thuê của địa phương 200 ha ruộng, thời hạn 50 năm để làm lúa. Ông đã làm 10 vụ, sử dụng hoàn toàn phân bón 2Phong, tiết kiệm được chi phí sản xuất trên 30% so với nông dân trong vùng mà năng suất không thua kém.

 

                                                                                        Lê Quốc Phong trong một sự kiện tri ân khách hàng

 

Ở Kiên Giang, có rất nhiều nông dân đã làm theo ông Nhẫn. Đến khi biết ông Hai Phong thí điểm sản xuất sản phẩm phân bón mới,chỉ cần bón một lần cho cả một vụ lúa thì ông Nhẫn ưng liền. Ông làm ngay vụ 3 này với diện tích 60 ha. Ông bảo ông Hai Phong nói cứ làm đúng theo hướng dẫn của 2Phong nếu thất thoát, ông sẽ bù, nhưng tôi cười, thất mình chiu, chớ anh em chí cốt với nhau ...mà nhìn ruộng lúa 45 ngày sau sạ là biết không thể thất được.

 

                        Các nhà khoa học của phân bón 2Phong luôn đồng hành cùng nhà nông để hướng dẫn kỹ thuật canh tác và sử dụng phân bón hiệu quả.

Tới nơi, nhà khoa học Tuân Nano (Tiến sĩ Nông học Nguyễn Phú Tuân) xắn cao quần, lội ào xuống ruộng, thọc tay vào đất, nhổ liền 2 bụi lúa. Trên bờ, ngoài thành phần cán bộ của 2Phong, ông Nhẫn, còn rất nhiều nông dân trong vùng kéo tới tham quan, nghe tư vấn. Cuộc bàn thảo diễn ra sôi nổi:Đến lúc này, lúa của ông Nhẫn với nông dân trong vùng hơn gì, kém gì, khi ông Nhẫn mới bón duy nhất 1 lần NPK 2Phong, trong khi nông dân trong vùng đã bón đủ 3 lần. Ông Nhẫn chưa xịt một lần thuốc bảo vệ thực vật nào trong khi người ta đã xịt từ 1 đến 2 lần... cuối cùng đoàn kiểm tra của 2Phong kết luận: Ông Nhẫn dành ra 5 ha không bón đợt 2, làm đối chứng với số ruộng còn lại có bón đợt 2 đến kết quả khi thu hoạch.

Chủ tịch phân bón 2Phong khẳng định đầu tư phân bón sẽ giảm từ khoảng 5 triệu đồng/1ha, xuống 2 triệu đồng, lại không phải đầu tư vào thuốc bảo vệ thực vật, năng suất có thể bằng hoặc giảm chút đỉnh so với đối chứng, nhưng chi phí sản xuất giảm sâu( từ 30 đến 50%), thì hiệu quả kinh tế đạt được của bà con nông dân sẽ cao hơn. Nông dân lại không bị ảnh hưởng độc hại của thuốc bảo vệ thực vật. Giảm phân bón (nhất là N) sẽ giảm phát thải nhà kính (co2), góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sống của hành tinh.

Trách nhiệm đến cùng với nông dân.

Nhìn cử chỉ, nghe ông Phong nói, tôi hình dung ra đây là hình mẫu của một nhà quản lý doanh nghiệp hiện đại. Với ông Phong, trong công việc không được ôm đồm, phải đặt trọn niềm tin vào cấp dưới, vào mọi thành viên do mình quản lý. Giao việc cho anh em phải đồng thời giao cho anh em trọn quyền quyết định cách thức thực thi và chịu trách nhiệm về hiệu quả đạt được.

 

                                                                                                           Luôn đồng hành với nhà nông

Không bao giờ nghĩ mình là"ngon lành", là nhất, là số 1, sẵn sàng xin lỗi cấp dưới khi biết mình sai hoặc sáng kiến của cấp dưới đưa ra tối ưu hơn phương án của mình. Luôn lắng nghe cấp dưới để vừa chắt lọc thông tin trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng, vừa để cho cấp dưới luôn thấy mình được "sếp" tôn trọng...sẽ tích cực, mạnh dạn, hăng hái đề đạt ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng.

Trong sản xuất - kinh doanh, phải luôn có chiến lược sản phẩm; không ngủ quên khi "chiến thắng" để chuẩn bị cho những "chiến thắng" tiếp theo.

Làm gì cũng nghĩ mang lại lợi ích cho tập thể, cho công ty và cho cộng đồng . Sự gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi của ông đã lôi cuốn mọi thành viên, lan toả ra cả hệ thống, guồng máy hoạt động của công ty, từ sản xuất , phân phối, đến tận người nông dân, tạo thành cái văn hoá riêng có của Công ty.

 

                                                  Tác giả(áo trắng) cùng doanh nhân Lê Quốc Phong và bạn hữu trong chuyến về Cà Mau gặp gỡ nhà nông

Với nhà nông, ông Phong luôn có trách nhiệm đến cùng với sản xuất và lợi nhuận thu được của họ sau từng mùa vụ. Ông là người đề xuất ý tưởng và tổ chức các hoạt động, các sân chơi bổ ích để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cả nước, như các cuộc thi Khuyến nông, Nhà nông đua tài, Đồng hành và chia sẻ, Nâng cánh ước mơ-nối nhịp cầu nhân ái, Phân bón với nhà nông, Giải Golf gây quỹ học bổng Tiếp sức đến trường, Cuộc thi chọn giọng ca cải lương Bông lúa vàng, Kết nghiã với buôn làng xa xôi tại Đắk Lắk, Đắk Nông, đồng tổ chức và tài trợ chương trình tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc hàng năm, tài trợ đội bóng chuyền nữ cấp quốc gia để phục vụ khán giả, nhất là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa...

Trong cuộc sống, ông Phong luôn là người có trách nhiệm với gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội, không quên ai. Từ chỗ phát hiện, tài trợ cho một sinh viên nghèo có được nguồn kinh phí ban đầu để bước vào giảng đường, học tập, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Nhiều em thành danh, thành tài đã quay trở lại giúp sức đàn em nghèo được đến trường.

Năng động, sáng tạo, hết mình với công việc và với nhà nông, vừa có tầm lại vừa có tâm, nhất định ông Phong sẽ đưa thương hiệu phân bón 2Phong tiến lên phía trước, đóng góp vào xây dựng nông nghiệp nước nhà hiện đại, hiệu quả và bền vững.

                                                                                                                                                                                      Trung Kiên